logo

ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HỒ CHÍ MINH

   CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN TÍN

"Trao giải pháp - Nhận niềm tin"

Thi hành án

- Tư vấn pháp luật về thi hành án liên quan các lĩnh vực Dân sự, Hình sự, Hôn nhân gia đình, Lao động, Hành chính, Kinh doanh thương mại, Đất đai, Thừa kế,…

- Luật sư đại diện làm thủ tục thi hành án;

- Lập kế hoạch tham gia quá trình xác minh điều kiện thi hành án, kê biên, bán đấu giá tài sản;

- Tham gia quá trình thương lượng hòa giải giữa các bên đương sự về việc thi hành án;

- Đề nghị áp dụng các biện pháp như kê biên, phong toả tài sản nhằm tránh tình trạng tẩu tán tài sản; ngăn chặn xuất cảnh nhằm trốn tránh nghĩa vụ.

 

THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ theo quy định tại Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 và Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

1. Thẩm quyền thi hành án

Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

- Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

- Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;

- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

- Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.

Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

- Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cùng địa bàn;

- Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao;

- Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;

- Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

- Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;

- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

- Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác;

- Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành;

- Bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.

2. Yêu cầu thi hành án

Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án.

- Đơn yêu cầu thi hành án gồm các nội dung chính sau đây:

+ Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;

+ Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

+ Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

+ Nội dung yêu cầu thi hành án;

+ Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

3. Quyết định thi hành án

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được bản án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án đối với các trường hợp sau:

+ Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;

+ Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

+ Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;

+ Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

+ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

– Ngoài các trường hợp này ra thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.

– Quyết định thi hành án phải được gửi cho VKS cùng cấp.

– Nếu là quyết định cưỡng chế thi hành án thì cơ quan thi hành án phải gửi cho UBND nơi tổ chức thi hành án.  

4. Xác minh điều kiện thi hành án

- Xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là thủ tục bắt buộc đối với cơ quan thi hành án nếu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành.

- Nếu trong trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 6 tháng một lần Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án.

- Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

5. Thời gian tự nguyện thi hành án

- 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án.

6. Cưỡng chế thi hành án

- Nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì lúc này cơ quan thi hành án có quyền cưỡng chế thi hành án.

Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau

7. Các biện pháp bảo đảm thi hành án được áp dụng

- Phong toả tài khoản;

- Tạm giữ tài sản, giấy tờ;

- Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

8. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án

- Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần; 

- Án phí, lệ phí Tòa án; 

- Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

 

HÌNH PHẠT VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH PHẠT TÙ

Hình phạt là gì? Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam, hình phạt được xếp vào hai nhóm (1) nhóm hình phạt chính, và (2) nhóm hình phạt bổ sung:

+ Về Hình phạt chính: là hình phạt bắt buộc áp dụng đối với người phạm tội và được Tòa án tuyên độc lập đối với mỗi tội phạm cụ thể. Hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình.

+ Về Hình phạt bổ sung: là hình phạt có tính chất hỗ trợ cho hình phạt chính, hình phạt bổ sung không được áp dụng độc lập mà chỉ được áp dụng kèm theo hình phạt chính. Nếu như đối với mỗi tội phạm chỉ được áp dụng một hình phạt chình đối với hình phạt bổ sung có thể được áp dụng một hoặc nhiều chứ không chỉ có một.

Bộ luật Hình sự quy định 7 loại hình phạt bổ sung: cấm đảm nhệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế, tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng hình phạt chính; trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Đặc điểm các loại hình phạt

1. Cảnh cáo (Điều 34 Bộ luật Hình sự) là hình phạt khiển trách công khai của Nhà nước do Tòa án tuyên đối với người bị kết án. Cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất, người bị kết án cảnh cáo không bị mất đi quyền lợi thiết thân, tuy nhiên họ chịu sự tổn thất về tinh thần. Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt;

2. Phạt tiền (Điều 35 Bộ luật Hình sự) là hình phạt có tính chất kinh tế, nhằm vào tài sản của người phạm tội, buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền để sung quỹ nhà nước. Hình phạt tiền áp dụng với những tội ít nghiêm trọng, được áp dụng là hình phạt chính khi có điều luật quy định. Ngoài ra phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sng khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Cải tạo không giam giữ (Điều 36 Bộ luật Hình sự) là hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật Hình sự quy định, xét thấy không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội mà giao họ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục.

Cải tạo không giam giữ chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Người bị kết án về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, đã hối cải.

+ Người bị kết án phải có nơi làm việc ổn định hoặc nơi thường trú rõ ràng mà xét thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội.

Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước; phải tích cực tham gia lao động, học tập, sinh hoạt tập thể, không vi phạm kỷ luật; 3 tháng một lần kiểm điểm việc cải tạo của mình trước cơ quan giám sát, giáo dục.

Nếu người bị kết án di chuyển chỗ ở hoặc nơi làm việc phải báo cáo với Tòa án, báo cáo với cơ quan tổ chức đang giám sát giáo dục biết.

4. Trục xuất ( Điều 37 Bộ luật Hình sự) là buộc người nước ngoài phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Tù có thời hạn (Điều 38 Bộ luật Hình sự) là hình phạt tước quyền tự do của người bị kết án, buộc họ phải cách ly khỏi cuộc sống xã hội trong một thời gian nhất định. Người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam, phải tuân theo mọi chế độ sinh hoạt, lao động cải tạo của trại. Tù có thời hạn có mức tối thiểu là 3 tháng, tối đa là 20 năm.

6. Tù chung thân (Điều 39 Bộ luật Hình sự) là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Theo nguyên tắc chung người bị kết án tù chung thân phải ở trại giam cho đến khi chết, tuy vậy, nếu họ cải tạo tốt thì có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

7. Tử hình (Điều 40 Bộ luật Hình sự) chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà xét thây không còn khả năng giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Không áp dụng hình phạt tử hình với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Trường hợp này tử hình chuyển xuống tù chung thân.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019: "Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo". Vậy thi hành bản án phạt tù có thời hạn là việc đưa bản án phạt tù có thời hạn đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế, tức là buộc người bị kết án phạt tù có thời hạn phải chấp hành hình phạt tại trại giam, trại tạm giam trong thời hạn nhất định được quy định trong bản án.

Thi hành quyết định thi hành án phạt tù được quy định tại Điều 23 Luật thi hành án hình sự 2019. Cụ thể như sau:

1. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án, hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an. Trường hợp người đang chấp hành án bị kết án về hành vi phạm tội khác thì trại giam tống đạt quyết định thi hành án của bản án mới cho người đó.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.

2. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam cấp quân khu thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam tại trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng thì trại tạm giam phải tống đạt quyết định thi hành án cho người bị kết án, hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách để báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Trường hợp người đang chấp hành án bị kết án về hành vi phạm tội khác thì trại giam tống đạt quyết định thi hành án của bản án mới cho người đó.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoặc trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra quyết định đưa người chấp hành án đi chấp hành án.

3. Trong thời gian chờ chuyển đến nơi chấp hành án phạt tù, người chấp hành án được hưởng chế độ như đối với phạm nhân.

4. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án; quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt; trường hợp người đó có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thực hiện trưng cầu giám định; trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Tòa án đã ra quyết định thi hành án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại chết thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu báo cáo Tòa án đã ra quyết định thi hành án để ra quyết định đình chỉ thi hành án.

 

 

 

 

 

Thông tin liên quan

Thi hành án

 

 

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN TÍN

 Quận 1: 45 Thạch Thị Thanh, Phường Tân Định, Quận 1, TP. HCM

 Quận Bình Thạnh: 180/85 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Quận Bình Thạnh, TP.HCM

Hotline: 0899 252 688

Email: luatthientin@gmail.com

 Website: http://luatthientin.com

Kết nối với chúng tôi

Facebook

Copyright Luật Thiên Tín

2019 Copyright © Luật Thiên Tín

zalo

logomess